Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

KTĐT - Hàng loạt vướng mắc, bất cập trong thực hiện Luật BHXH hiện hành cùng những giải pháp khắc phục đã được các đại biểu thảo luận sôi nổi.

Tại hội nghị khu vực phía Bắc: "Đối thoại chính sách trong sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH)" do Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức sáng 1/8, hàng loạt vướng mắc, bất cập trong thực hiện Luật BHXH hiện hành cùng những giải pháp khắc phục đã được các đại biểu thảo luận sôi nổi.
Nguy cơ vỡ quỹ
Sau 6 năm thực hiện, Luật BHXH đã bộc lộ nhiều bất cập, nên cần được sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tế. Đề cập đến số đối tượng tham gia BHXH, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết, tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện hiện còn thấp, mới chiếm khoảng 20% tổng lực lượng lao động phải tham gia. "Trong tương lai, đất nước sẽ phải đối mặt với hàng triệu lao động bước vào tuổi nghỉ hưu không có thu nhập từ lương hưu, gánh nặng này sẽ thuộc về Nhà nước, đó là phải trợ cấp xã hội cho hàng triệu người khi về già" - bà Mai nói.

Cán bộ hưu trí lĩnh lương tại phường.
Ngoài ra, dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng cho thấy, với các chính sách như hiện hành, quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần (năm 2021, thu không đủ chi trong năm; đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu, quỹ mất cân đối). Nguyên nhân mất cân đối quỹ một phần là do tuổi nghỉ hưu thực tế hiện nay thấp hơn quy định, dẫn tới thời gian đóng BHXH của người lao động ngắn (nam: 28 năm, nữ: 23 năm). Điều này dẫn đến thời gian hưởng lương hưu dài, trong khi lương hưu tích lũy chỉ đảm bảo trả trong 12 - 13 năm. Bên cạnh đó, số đối tượng hưởng BHXH một lần hàng năm nhiều, khoảng 500.000 - 600.000 người/năm và có xu hướng gia tăng chưa phù hợp với xu hướng an sinh xã hội trên thế giới.
Đảm bảo an sinh xã hội
Đại diện Sở LĐTB&XH Vĩnh Phúc cho rằng, để đảm bảo sự ổn định và bền vững của Quỹ BHXH bắt buộc, cần mở rộng đối tượng tham gia BHXH cũng như tăng tuổi nghỉ hưu. TS Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH sẽ gồm cả đối tượng có hợp đồng lao động từ một tháng đến dưới 3 tháng, ngoài ra còn bắt buộc đối với học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam... Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cũng như nhiều đại biểu khác đánh giá, việc mở rộng đối tượng dưới 3 tháng tham gia BHXH sẽ góp phần khắc phục tình trạng bất cập hiện nay.
Ngoài ra, quy định về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc cũng như điều kiện hưởng lương hưu đã được các đại biểu quan tâm thảo luận. Một số ý kiến cho rằng, hiện tại, tuổi nghỉ hưu thấp dẫn tới thời gian đóng BHXH ngắn nhưng thời gian hưởng lương hưu dài do tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên, vì vậy cần thiết phải tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến cũng như đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại đa số công nhân lao động đều không đồng tình về việc nâng tuổi nghỉ hưu, nhất là lao động nữ, vì vậy cần cân nhắc quy định tăng tuổi nghỉ hưu.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Ủy viên Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đưa ra dẫn chứng, khi nước Pháp nâng tuổi hưu, xã hội đã hứng chịu những bất ổn không nhỏ, các nghị sĩ đều lường trước phản ứng đó của xã hội khi quyết định việc nâng tuổi nghỉ hưu là sự lựa chọn duy nhất. “Liệu Việt Nam có thể tránh được tình trạng đó?” - ông Sơn đặt câu hỏi.
Dự thảo Luật BXHH sửa đổi sẽ tiếp tục được lấy ý kiến của các ban, ngành trước khi trình Quốc hội, song theo quan điểm của bà Trương Thị Mai, sửa đổi Luật BHXH lần này cần phải đáp ứng sự đa dạng về nhu cầu an sinh xã hội của các tầng lớp Nhân dân, người lao động, công đoàn, người sử dụng lao động và thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước đối với việc bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân theo quy định của Hiến pháp.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét