Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

Ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) đã cho biết như vậy tại buổi làm việc của Bộ GTVT với lãnh đạo Hà Nội, TP.HCM và các bộ, ngành liên quan về tiến độ các dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) mới đây.


Ảnh minh họa

Ông Hoằng cho biết, theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Hà Nội sẽ có 8 tuyến ĐSĐT với tổng chiều dài khoảng 305km. Hiện nay đang triển khai 4 dự án, với tổng chiều dài 58,5km; trong đó, Bộ GTVT làm chủ đầu tư 2 dự án (tuyến Cát Linh - Hà Đông và tuyến đường sắt số 1), UBND Hà Nội làm chủ đầu tư 2 dự án (tuyến đường sắt số 2 và số 3).

Tại TP.HCM, theo quy hoạch Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cũng sẽ có 8 tuyến ĐSĐT với tổng chiều dài khoảng 172,6km. Hiện nay, đang triển khai 2 dự án, với tổng chiều dài 31km do UBND TP.HCM làm chủ đầu tư.

Theo ông Hoằng, hầu hết các dự án ĐSĐT đều phải điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư tăng so với ban đầu. Nguyên nhân chủ yếu do cơ chế chính sách, những biến động về tiền lương, về giá vật liệu, về tỷ giá; các dự án ĐSĐT có tính chất kỹ thuật phức tạp; dự án được thực hiện trên địa bàn trung tâm của Hà Nội và TP.HCM, công tác GPMB, tái định cư gặp nhiều vướng mắc, khó khăn làm tăng chi phí GPMB; nhiều vật tư chuyên dụng khó đánh giá kiểm soát về giá...

Về tiến độ thực hiện, các dự án hầu hết đều chậm so với dự kiến. Nguyên nhân chủ yếu do các dự án đi qua nhiều tuyến phố trung tâm nên gặp nhiều khó khăn trong khâu lập, điều chỉnh chỉ giới, thỏa thuận quy hoạch và kiến trúc cũng như công tác GPMB; các quy định về đầu tư theo pháp luật của Việt Nam có sự khác biệt so với các quy định của các nhà tài trợ nên mất nhiều thời gian xin ý kiến chấp thuận của Nhà tài trợ về các nội dung có liên quan.

Đối với việc lựa chọn công nghệ, thiết bị và lựa chọn nhà thầu cho dự án, ông Hoằng cho biết, do các dự án ĐSĐT đều là dự án lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, về cơ bản công nghệ và thiết bị của dự án đều là công nghệ tiên tiến của các nước, trang thiết bị hiện đại đảm bảo an toàn, kinh tế trong quá trình khai thác vận hành, bảo dưỡng khi đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, nguồn vốn đều sử dụng vốn vay của Chính phủ các nước nên thường bị ràng buộc điều kiện vay về xuất xứ hàng hóa...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, các dự án ĐSĐT là các dự án lớn có tổng mức đầu tư cao và phải dùng vốn vay nước ngoài; nhưng vốn vay nước ngoài hay trong nước thì cuối cùng chính người dân phải là người nộp thuế để trả. Do vậy việc quản lý chặt chẽ có hiệu quả vốn vay của nước ngoài cũng như vốn đối ứng của Chính phủ là trách nhiệm của Bộ GTVT, của các Bộ, ngành liên quan và đặc biệt là của Hà Nội và TP.HCM...

Bộ trưởng cho rằng, vấn đề quan trọng là tập trung vào các giải pháp để khắc phục ngay những tồn tại, bất cập hiện nay nhằm đưa ra được lộ trình, kế hoạch cụ thể đối với các dự án đang triển khai cũng như lộ trình, kế hoạch đối với các dự án còn lại... Tất cả các đơn vị và 2 địa phương cần quán triệt thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ các dự án ĐSĐT tại Hà Nội và TP.HCM. "Đây là các dự án hết sức bức thiết để phục vụ đi lại cho người dân, giảm ùn tắc giao thông”, Bộ trưởng khẳng định.

M.L


0 nhận xét:

Đăng nhận xét