Phát triển đất nước dựa trên nguồn mạch lịch sử cha ông để lại nhưng phải bằng hành động của con người đương thời. Nếu không hành động mà chỉ đề cao các giá trị xưa cũ thì đó là “ăn mày dĩ vãng”.
Giá trị hôm nay không phải là cái khuôn đúc sẵn như đã từng đúc ra các giá trị cũ, mà thừa kế đi liền với phát minh, sáng tạo để có những sản phẩm vật chất và tinh thần theo kịp với những thành tựu mang tính thời đại, mang tầm vóc nhân loại. Việt Nam có nhiều thanh niên đương thời thông minh, giỏi giang, tiếp cận được những thành tựu khoa học thế giới. Hơn thế nữa, họ có niềm tự hào về nòi giống dân tộc, có lòng yêu nước sâu sắc. Chỉ cần lướt trên trang web, sẽ thấy các bạn trẻ thành đạt ở nhiều lĩnh vực đến mức kinh ngạc. Không phải nhắc đến các tên tuổi đã thành “hộ chiếu quốc tế” như Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn, Đàm Thanh Sơn… nhiều bạn là thế hệ học trò của các vị giáo sư nổi tiếng đó đã “đem chuông đi đánh xứ người” và mang về nhiều thành tích vẻ vang. Chỉ riêng năm nay, huy chương Olympic các “màu” đủ nói lên niềm tự hào ấy. Có những bạn được nhiều trường danh tiếng của Mỹ cấp học bổng toàn phần. Sức trẻ không chỉ là niềm kỳ vọng vào tương lai mà được thể hiện ngay hôm nay. Bởi vì nếu không, thì mãi mãi chỉ là kỳ vọng. Gương mặt đất nước hôm nay là kết quả từ hành động của sức trẻ thế hệ trước, và gương mặt đất nước ngày mai là kết quả từ hành động của sức trẻ thế hệ hôm nay. Hiện thực mà chúng ta đang sống cho thấy sức trẻ chưa được khai thác và hành động với tất cả nguồn lực vốn có. Dù các bạn trẻ đã đóng góp được nhiều việc, nhưng chưa huy động hết nguồn tài nguyên chất xám giàu có để làm giàu. Trả lời Tuổi Trẻ ngày 21.8, ông Vũ Ngọc Hoàng – Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nói một điều mà ai trong chúng ta cũng phải đau xót: “Cách đây 40 - 50 năm, Việt Nam và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, tôi rà lại tư liệu thì thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại Việt Nam và Việt Nam cũng có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại Việt Nam làm ông chủ, làm quản lý, còn người Việt Nam ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm osin. Nghe mà xót lòng”. Câu nói của ông Vũ Ngọc Hoàng đánh thức lòng tự trọng của người Việt Nam, nhất là những người trẻ tuổi. Và chúng ta có quyền tin rằng, thế hệ trẻ hôm nay sẽ thay đổi được diện mạo quốc gia, sẽ làm ra những sản phẩm thay đổi thế giới, nếu như có những chính sách động viên kịp thời sức sáng tạo. |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét